Đánh trống ngực là một tình trạng mà nhiều mẹ bầu gặp phải trong thai kỳ. Mặc dù phần lớn trường hợp là vô hại, nhưng đôi khi nó có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng.
- Nguyên nhân biểu hiện và các biện pháp kiểm soát viêm da cơ địa
- Những thông tin cần biết về siêu âm thai quý I
Bài viết dưới đây bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ cung cấp thông tin về nguyên nhân và cách xử trí hiện tượng này trong suốt quá trình mang thai.
Đánh trống ngực khi mang thai là gì?
Đánh trống ngực là hiện tượng tim đập nhanh hơn bình thường, phổ biến ở phụ nữ mang thai. Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhịp tim của mẹ bầu có thể tăng thêm từ 15 đến 20 nhịp mỗi phút so với mức bình thường. Điều này giúp cơ thể mẹ bầu tăng cường lưu thông máu, đảm bảo cung cấp đủ oxy và dưỡng chất cho thai nhi.
Ở ba tháng giữa, mạch máu giãn ra để tăng lượng máu và điều hòa huyết áp, mặc dù tim đập nhanh hơn. Đến ba tháng cuối, thể tích máu trong cơ thể mẹ bầu tăng lên, khiến tim phải hoạt động mạnh mẽ hơn để cung cấp đủ máu cho cả mẹ và thai nhi.
Mẹ bầu có thể cảm thấy hồi hộp, khó thở hoặc khó chịu do hiện tượng đánh trống ngực. Tuy nhiên, đây chủ yếu là phản ứng sinh lý để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Mặc dù vậy, đôi khi đánh trống ngực có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác như:
- Mẹ bầu bị căng thẳng, lo lắng quá mức.
- Tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa caffeine.
- Sử dụng thuốc điều trị cảm lạnh hoặc dị ứng có chứa pseudoephedrine.
- Mẹ bầu mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, bệnh tuyến giáp, hoặc có tiền sử vấn đề tim mạch trong thai kỳ trước.
Nếu kèm theo các triệu chứng bất thường như tức ngực, ho, tím tái, ra mồ hôi đêm, khó thở, mẹ bầu cần đi khám ngay.
Điều trị đánh trống ngực khi mang thai
Theo bác sĩ Cao đẳng Y Sài Gòn khi gặp phải hiện tượng đánh trống ngực, bác sĩ sẽ tiến hành khám và chẩn đoán thông qua việc hỏi thăm tiền sử bệnh, đo điện tâm đồ, theo dõi nhịp tim bằng máy Holter hoặc xét nghiệm máu nếu cần thiết.
Nếu kết quả kiểm tra không phát hiện vấn đề nghiêm trọng và tình trạng tim đập nhanh không gây ảnh hưởng lớn, mẹ bầu có thể không cần điều trị gì thêm. Thường thì tình trạng này sẽ tự cải thiện sau khi sinh, khi nhịp tim trở lại bình thường. Đây là một hiện tượng sinh lý không gây hại, và mẹ bầu không nên quá lo lắng.
Tuy nhiên, nếu mẹ bầu mắc các bệnh lý tim mạch, hiện tượng đánh trống ngực có thể là dấu hiệu của suy tim hoặc rối loạn nhịp tim, gây nguy cơ cho cả mẹ và thai nhi. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Trong ba tháng đầu, việc sử dụng thuốc sẽ được hạn chế để tránh ảnh hưởng đến thai nhi.
Các biện pháp khắc phục đánh trống ngực khi mang thai
Theo chuyên gia điều dưỡng đa khoa các biện pháp khắc phục đánh trống ngực khi mang thai bao gồm:
- Uống đủ nước và tránh sử dụng bia rượu, đồ uống có caffeine.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Ăn uống hợp lý, bổ sung đủ dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm ít chất béo và tăng cường đạm từ thịt, cá, trứng.
- Duy trì vận động nhẹ nhàng, thường xuyên tập hít thở sâu để thư giãn cơ thể. Tuy nhiên, mẹ bầu cần tránh làm việc hay tập luyện quá sức. Nếu cảm thấy mệt mỏi hay tim đập nhanh khi tập luyện, hãy dừng ngay lập tức.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách xử lý hiện tượng đánh trống ngực khi mang thai. Nếu tình trạng tim đập nhanh kèm theo các dấu hiệu bất thường như chóng mặt, khó thở, mẹ bầu cần đi khám bác sĩ để được tư vấn kịp thời.