Sốt xuất huyết là mối lo lớn của nhiều gia đình, đặc biệt ở trẻ em, do nguy cơ mắc bệnh và tử vong vẫn cao. Bệnh có thể gây biến chứng nghiêm trọng, vì vậy việc phát hiện sớm các triệu chứng để điều trị kịp thời là rất quan trọng.
- Viêm da virus ở trẻ em và các biện pháp phòng ngừa bệnh
- Hướng dẫn vệ sinh vết mổ sau sinh tại nhà hiệu quả
Bài viết dưới đây bác sĩ giảng viên Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn sẽ giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về các dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết ở trẻ em.
Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Bệnh có thể tiến triển nhanh chóng với nhiều dấu hiệu phức tạp, vì vậy việc phát hiện sớm là rất quan trọng.
Giai đoạn đầu (Giai đoạn sốt): Trong giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường bị sốt cao liên tục, kèm theo cảm giác khó chịu, quấy khóc. Trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, đau nhức cơ thể, không muốn ăn, mắt đau nhức, chảy máu cam, hoặc bị chấm xuất huyết dưới da. Nhiều trẻ còn gặp phải tình trạng chảy máu chân răng. Ở giai đoạn này, xét nghiệm Hematocrit (hồng cầu) thường không có sự thay đổi rõ rệt, nhưng số lượng tiểu cầu và bạch cầu thường giảm.
Giai đoạn nguy hiểm (Ngày 3 – Ngày 7): Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất, kéo dài từ ngày thứ 3 đến thứ 7 sau khi nhiễm bệnh. Cơn sốt có thể giảm, nhưng bụng của trẻ có thể bị sưng to, và lượng huyết tương thoát mạch ồ ạt. Trẻ có thể bị tràn dịch màng phổi, gan và bụng to bất thường, mắt bị phù nề. Các triệu chứng của sốc có thể xuất hiện như mệt mỏi, da lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt. Ở giai đoạn này, trẻ dễ bị xuất huyết dưới da với nhiều vết chấm xuất huyết ở tay chân, bụng, hoặc trên da có mảng bầm tím, chảy máu chân răng và tiểu ra máu. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp trẻ không biểu hiện xuất huyết rõ ràng và bệnh tiến triển âm thầm, khiến nguy cơ tử vong tăng cao nếu không được phát hiện kịp thời. Kết quả xét nghiệm máu có thể cho thấy tiểu cầu giảm mạnh, thậm chí rối loạn đông máu. Thăm khám sẽ cho thấy trẻ có thân nhiệt giảm, huyết áp thấp và giảm tri giác.
Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ dần hồi phục. Sốt giảm hẳn, trẻ bắt đầu thèm ăn, huyết áp ổn định và đi tiểu nhiều hơn. Các chỉ số bạch cầu tăng nhanh, trong khi chỉ số tiểu cầu tăng chậm, và các kết quả xét nghiệm sẽ dần trở lại mức bình thường.
Cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà cho trẻ
Khi phát hiện dấu hiệu sốt xuất huyết, việc đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám là rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhẹ và được phát hiện sớm, trẻ có thể điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Các phụ huynh cần lưu ý một số điểm sau:
- Kiểm soát nhiệt độ: Nếu trẻ sốt cao trên 39°C, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Nới lỏng quần áo cho trẻ để cơ thể thông thoáng, tránh dùng aspirin hoặc ibuprofen vì chúng có thể gây xuất huyết.
- Bù nước và dinh dưỡng: Cho trẻ uống đủ nước và điện giải, đồng thời cho trẻ ăn các món dễ tiêu như cháo. Các bữa ăn nên chia nhỏ và làm loãng thức ăn để trẻ dễ hấp thu.
- Tránh vận động: Không nên cho trẻ vận động nhiều khi bị sốt xuất huyết.
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Y Sài Gòn khuyến cáo nếu trẻ nôn ói nhiều, không thể ăn uống, mệt mỏi, da xuất huyết, tứ chi lạnh, hoặc có đau bụng, phụ huynh cần đưa trẻ ngay đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa sốt xuất huyết cho trẻ
Theo chuyên gia điều dưỡng đa khoa, để ngăn ngừa bệnh sốt xuất huyết, bố mẹ cần chú ý kiểm soát nguồn gây bệnh là muỗi, bọ gậy, và giữ vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, thoáng mát:
- Đậy kín các dụng cụ chứa nước: Đảm bảo các xô, chậu, bình đựng nước được đậy kín để ngăn ngừa muỗi sinh sản.
- Nuôi cá: Nuôi cá bảy màu hoặc cá sóc trong các dụng cụ chứa nước để cá ăn bọ gậy.
- Vệ sinh thường xuyên: Vệ sinh các dụng cụ chứa nước ít nhất một lần mỗi tuần và thu gom phế liệu, rác thải để tránh nơi muỗi sinh sôi.
- Bảo vệ trẻ: Cho trẻ mặc quần áo dài tay vào mùa muỗi sinh sôi, sử dụng màn ngủ và bôi kem chống muỗi an toàn cho da trẻ.
- Giữ nhà cửa sạch sẽ: Đảm bảo các khu vực sống, đặc biệt là phòng ngủ, thoáng mát và không ẩm mốc.
Sốt xuất huyết là một căn bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc phòng ngừa là rất quan trọng. Hệ miễn dịch của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, nên việc theo dõi sức khỏe thường xuyên và nhận diện sớm các dấu hiệu bất thường là cách hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe của trẻ.