Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng bất thường xảy ra ở hệ tiêu hóa và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Dó đó, nắm được nguyên nhân, triệu chứng sớm của bệnh sẽ hạn chế được những nguy hiểm xảy ra.
- Dinh dưỡng hằng ngày giúp người cao tuổi sống khỏe
- Cảnh báo những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm khớp dạng thấp
Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng xảy ra bởi sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa
Nguyên nhân nào gây rối loạn tiêu hóa?
Giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng chia sẻ các nguyên nhân chính khiến hệ tiêu hóa rối loạn, bao gồm:
Chế độ ăn uống không hợp lý
Đây được xem là nguyên nhân chính gây tình trạng rối loạn tiêu hóa. Việc sử dụng đồ ăn không hợp vệ sinh, thức ăn ôi thiu; thói quen ăn nhiều đồ ngọt, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men, thực phẩm chua cay… có thể khiến hệ vi sinh vật đường tiêu hóa rối loạn. Từ đó làm mất cân bằng giữa lợi khuẩn và hại khuẩn ở ruột, gây nên hội chứng này.
Ngoài ra, việc lạm dụng rượu bia có thể làm chết một lượng lớn lợi khuẩn, gây loạn khuẩn đường ruột và hệ tiêu hóa rối loạn. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn còn làm mòn lớp nhầy trên thành dạ dày và ruột. Lâu ngày có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày và ruột, gây tình trạng viêm loét dạ dày – đại tràng kèm theo các triệu chứng đau bụng và rối loạn đại tiện (phân sống, phân lỏng, nát không thành khuôn…).
Bệnh đường tiêu hóa
Các bệnh lý viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng….sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất, gây nên hội chứng ruột kích thích.
Mất cân bằng vi sinh đường ruột
Các vi khuẩn đường ruột có tác dụng điều tiết quá trình tiêu hóa, lên men trong đường ruột. Khi hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng sẽ khiến quá trình chuyển hóa thức ăn bị rối loạn. Nguyên nhân sâu xa khiến vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột là do lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài, thường gặp nhất ở trẻ em.
Stress kéo dài
Trong hệ tiêu hóa của mỗi người đều có một lượng hormone Serotonin nhất định. Đây là loại hormone có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng tâm trạng. Nếu thường xuyên bị stress, căng thẳng, lượng hormone này sẽ tăng sinh và làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.
Ngoài ra, tình trạng stress kéo dài sẽ làm cản trở quá trình lưu thông máu ở ruột. Từ đó gây ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày. Thức ăn có thể bị ứ đọng tại ruột hoặc cũng có thể bị đào thải ra ngoài một cách nhanh chóng. Điều này khiến người bệnh bị đầy bụng, khó tiêu hoặc bị tiêu chảy.
Luyện tập quá sức
Thói quen tập thể dục thể thao trong thời gian dài hoặc quá sức hay sau khi vừa ăn no có thể làm tổn thương các vòng cơ tại đường ruột. Từ đó dẫn đến hiện tượng đầy hơi, buồn nôn và rối loạn đường tiêu hóa.
Tác dụng phụ của thuốc trị bệnh
Một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid, thuốc ức chế miễn dịch hoặc một số thuốc trong điều trị bệnh tiểu đường… nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây tác dụng trên đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.
Dấu hiệu nhận biết chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ em và người lớn
Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở trẻ em
Bác sĩ Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn tư vấn, do cơ địa của trẻ còn non nớt, sức đề kháng và hệ tiêu hóa còn khá yếu nên rất dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Một số triệu chứng nhận biết bệnh lý này ở trẻ đó là:
- Đau bụng, trướng bụng, sốt, quấy khóc.
- Bị trào ngược thực quản, trào ngược dạ dày trong vài ngày.
- Thường xuyên bị nôn trớ khi bú mẹ hoặc khi ăn thức ăn.
- Tiêu chảy: trẻ đi ngoài phân sống phân lỏng trên 3 lần/ngày. Phân đôi khi có lẫn chất nhầy, mùi tanh, sủi bọt hoặc có máu.
- Táo bón: trẻ đi ngoài không thường xuyên, khoảng từ 2-3 ngày mới đi một lần. Phân khô rắn, cứng như sỏi, đóng khuôn. Bụng cứng, đau, mót đi cầu nhưng không đi được. Mỗi lần đi gặp nhiều khó khăn, thường là phải rặn đến phát khóc.
Dấu hiệu rối loạn tiêu hóa ở người lớn
Đầy bụng, khó tiêu
Hệ tiêu hóa rối loạn sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Thức ăn không được tiêu hóa hết bị ứ đọng trong ống tiêu hóa khiến người bệnh luôn cảm thấy bụng căng chướng khó chịu, liên tục bị ợ hơi, ợ nóng, đặc biệt là sau khi ăn xong.
Đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội
Cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau. Người bệnh có thể bị đau ở vùng bụng trên, vùng dạ dày, vùng bụng dưới. Cơn đau đặc biệt tăng mạnh khi ăn đồ cay nóng, đồ chua hoặc khi bị ngộ độc thực phẩm.
Chán ăn
Khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề, người bệnh thường có cảm giác đắng miệng, ăn không ngon, chán ăn.
Buồn nôn và nôn
Đường tiêu hóa bị kích thích sẽ khiến việc hấp thu thức ăn bị giảm sút. Thức ăn có thể bị trào ngược lên thực quản gây nên tình trạng buồn nôn và nôn ói.
Rối loạn đại tiện
Rối loạn chức năng đào thải của hệ tiêu hóa khiến người bệnh bị táo bón hoặc đại tiện nhiều lần trong ngày. Tình trạng này kéo dài, đặc biệt là tiêu chảy sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, suy nhược.
Thông thường, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn. Khi các triệu chứng kéo dài và nặng hơn như phân lỏng rắn xen kẽ, đi ngoài ra máu, sút cân nhanh,… người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
Những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra
Chuyên mục Tin Y tế giáo dục chia sẻ, rối loạn tiêu hóa không đe dọa đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và tinh thần của người bệnh.
Ở mức độ nhẹ, rối loạn tiêu khóa khiến người bệnh luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, khó chịu. Bên cạnh đó, việc đại tiện nhiều lần trong ngày rất dễ gây hiện tượng mất nước và suy nhược cơ thể. Đồng thời hiện tượng chán ăn trong thời gian dài khiến cơ thể không được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất dẫn đến tình trạng sụt cân nghiêm trọng. Từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu suất công việc thường ngày.
Nguy hiểm hơn, nếu rối loạn không được điều trị kịp thời có thể gây biến chứng như rối loạn chức năng hệ tiêu hóa. Tình trạng này kéo dài khiến người bệnh dễ phải đối mặt với nguy cơ bị hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, polyp đại tràng, xuất huyết đại tràng, thậm chí là ung thư đại trực tràng.